Xi lanh thủy lực xe nâng được ví như là “trái tim” của hệ thống nâng hạ, giúp xe hoạt động mạnh mẽ khi nâng hàng lên cao. Vậy cấu tạo và nguyên lý hoạt động của nó như thế nào? Có những loại xi lanh thủy lực xe nâng nào? Các bảo trì ra sao? Tất cả sẽ được Vận Tải Tiến Phát giải đáp trong bài viết này.
Xi lanh thủy lực xe nâng là gì?
Xi lanh thủy lực xe nâng (hay còn gọi là ben thủy lực xe nâng) là một loại động cơ quan trọng trong hệ thống thủy lực. Nó sử dụng áp suất của chất lỏng (thường là dầu thủy lực) để tạo ra lực đẩy, thực hiện các thao tác nâng, hạ, nghiêng khung nâng và di chuyển của xe nâng.

Cấu tạo của xi lanh thủy lực xe nâng
Ống xi lanh (Cylinder Barrel)
Ống xi lanh là vỏ ngoài của xi lanh, có dạng hình trụ tròn, được chế tạo từ thép hợp kim có độ bền cao và có thể chịu được áp suất dầu trong xi lanh lớn.
Bề mặt bên trong ống xi lanh được gia công mài và đánh bóng để giảm ma sát và đảm bảo độ kín khít với piston.
Piston xi lanh (Piston)
Piston có dạng hình trụ, nó di chuyển tịnh tiến bên trong ống xi lanh. Piston xi lanh thủy lực chia khoang trong của ống xi lanh thành 2 khoang riêng biệt. Ở đầu piston có các rãnh để lắp xéc măng và phớt làm kín.
Cần piston xe nâng (Piston Rod)
Là một thanh thép đặc, có độ cứng và độ bền cao, được mạ crom để chống mài mòn và ăn mòn. Một đầu cần piston xe nâng được nối với piston, đầu còn lại nối với khung nâng trong xi lanh thủy lực nâng hạ để truyền lực từ piston ra bên ngoài để nâng hạ hàng hóa.
Xéc măng thủy lực (Piston Rings) / Phớt làm kín (Seals)
Xéc măng thủy lực (thường làm bằng gang hoặc vật liệu chịu mài mòn) hoặc phớt làm kín (thường làm bằng cao su, Teflon hoặc polyurethane) được lắp trên piston và cần piston. Chức năng chính của bộ phận này là làm kín, ngăn chặn dầu thủy lực rò rỉ giữa các khoang và giữ dầu không bị chảy ra ngoài, đồng thời nó cũng ngăn chặn bụi bẩn xâm nhập vào bên trong.
Đầu xi lanh (Cylinder Head) và Đáy xi lanh (Cylinder Base/Cap)
Đầu xi lanh là phần nắp phía trên xi lanh, có lỗ để lắp các cổng dầu và van điều khiển sẽ dẫn dầu ra vào qua các cổng này. Ở bộ phận này cũng được lắp thêm phớt làm kín để ngăn chặn rò rỉ dầu.
Đáy xi lanh là phần dưới cùng của xi lanh, chịu lực lớn từ áp suất dầu.
Cổng dầu (Ports)
Là các lỗ trên đầu xi lanh hoặc thân xi lanh, nơi dầu được bơm vào và thoát ra, tạo ra sự chênh lệch áp suất để piston di chuyển lên xuống.
Đường dẫn dầu
Là các ống kim loại hoặc ống mềm dẫn dầu, có chức năng dẫn dầu bên trong xi lanh, giúp dầu lưu thông đến piston.
Đường dẫn dầu đảm bảo dầu phân phối đều, giúp xi lanh hoạt động ổn định và tránh hiện tượng mất cân bằng áp suất.
Xem thêm: Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của củ đề xe nâng

Nguyên lý hoạt động của xi lanh thủy lực xe nâng
Xi lanh thủy lực hoạt động dựa trên nguyên lý Pascal về truyền áp suất trong chất lỏng. Nghĩa là, áp suất tác dụng lên chất lỏng trong một hệ thống kín được truyền đi nguyên vẹn đến mọi điểm trong hệ thống. Quá trình hoạt động của xi lanh thủy lực xe nâng gồm các trạng thái như sau:
- Nâng hàng (Piston đi lên): Bơm thủy lực đẩy dầu vào khoang dưới piston thông qua cổng dầu vào. Áp suất dầu tăng lên, đẩy piston đi lên, làm cần piston cũng đi lên. Sau đó, càng nâng gắn với cần piston được đẩy lên, giúp nâng hàng hóa. Đồng thời, dầu từ khoang trên piston được đẩy ra ngoài qua cổng dầu xả để trở về thùng chứa.
- Giữ hàng ở độ cao mong muốn: Khi hàng hóa đạt độ cao mong muốn, hệ thống van thủy lực sẽ khóa dầu lại, giữ áp suất ổn định trong xi lanh, giúp hàng hóa trên càng nâng được giữ chắc chắn mà không bị trôi xuống. Lúc này, phớt làm kín đảm bảo dầu không bị rò rỉ, duy trì trạng thái cố định của piston và cần piston.
- Hạ hàng (Piston đi xuống): Van điều khiển mở để dầu trong khoang dưới piston thoát ra ngoài qua cổng dầu xả. Dưới tác động của trọng lực, piston di chuyển xuống, kéo theo cần piston và càng nâng hạ dần xuống. Đồng thời, dầu từ thùng chứa được bơm vào khoang trên piston để điều tiết tốc độ hạ xuống, tránh tình trạng rơi tự do.
Đọc thêm: Cấu tạo xe nâng hàng

Các loại xi lanh thủy lực xe nâng
Xi lanh nâng (Lift Cylinder)
Xi lanh nâng có nhiệm vụ nâng hạ càng nâng để di chuyển hàng hóa lên cao hoặc hạ xuống. Thường được lắp đặt dọc theo khung nâng, nối với khung nâng thông qua xích nâng. Loại xi lanh này thường là xi lanh tác động đơn, chỉ có một cổng dầu để nâng hàng, còn hạ xuống nhờ trọng lực. Ở một số xe nâng có tải trọng lớn, có thể sử dụng xi lanh tác động kép để kiểm soát tốc độ nâng hạ tốt hơn.
Xi lanh nghiêng (Tilt Cylinder)
Xi lanh nghiêng giúp điều chỉnh góc nghiêng của khung nâng, giúp hàng được giữ an toàn khi di chuyển. Đây là xi lanh tác động kép, có hai cổng dầu để đẩy hoặc rút piston ra vào, giúp khung nâng ngả về phía trước khi đặt hàng xuống hoặc nghiêng về sau để giữ hàng an toàn.
Xi lanh lái (Steering Cylinder)
Xi lanh lái có nhiệm vụ hỗ trợ đánh lái bằng cách điều chỉnh bánh lái sau. Loại xi lanh này là loại xi lanh tác dụng 2 chiều, được nối với trục lái hoặc bánh lái với thân xe. Ở các xe nâng nhỏ, có thể chỉ có một xi lanh lái, các xe nâng lớn hơn có thể có hai xi lanh lái hoặc hệ thống lái trợ lực thủy lực phức tạp hơn.
Cách bảo trì xi lanh thủy lực xe nâng
- Kiểm tra mức dầu thủy lực xe nâng thường xuyên và đổ thêm vào nếu cần.
- Kiểm tra phớt làm kín, nếu phớt bị mòn, rách hoặc nứt thì cần thay mới để tránh rò rỉ dầu.
- Thay dầu thủy lực xe nâng theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc thay dầu khi dầu bị lẫn nhiều tạp chất.
- Vệ sinh bề mặt xi lanh, cần piston. Nếu có vết nứt hoặc trầy xước, nên thay mới để nâng cao hiệu suất nâng hạ.
- Kiểm tra van điều khiển thủy lực xem có bị kẹt, bị mòn không? Làm sạch hoặc thay thế van mới khi bị hỏng để tránh bị rỉ dầu ra ngoài.
- Kiểm tra xem xi lanh có bị rò rỉ dấu không để kịp thời phát hiện các bộ phận cần được thay thế và vệ sinh.

Kết luận
Xi lanh thủy lực xe nâng là bộ phận quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nâng hạ, nghiêng và di chuyển của xe. Hy vọng qua nội dung chia sẻ của Tiến Phát (TPG), bạn đã hiểu hơn về cấu tạo, cách hoạt động, các loại xi lanh và cách bảo trì xi lanh thủy lực xe nâng, từ đó giúp làm việc hiệu quả và kéo dài tuổi thọ của xe.