Kiểm định xe nâng hàng, quy trình, thời hạn và giá kiểm định

Tác giả:  Thảo Vy   Thời gian đọc: 7 Phút Đăng ngày:  19/02/2025

Kiểm định xe nâng là quá trình kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của xe nâng hàng dựa trên các tiêu chuẩn,  quy chuẩn của TCVN và QCVN. Đây là quy trình bắt buộc để đảm bảo xe vận hành an toàn và làm việc hiệu quả. Với kinh nghiệm sử dụng xe nâng hơn 7 năm, Vận Tải Tiến Phát sẽ cung cấp các thông tin về kiểm định xe nâng bao gồm tiêu chuẩn & quy chuẩn, quy trình, thời hạn cũng như chi phí kiểm định trong bài viết này.

Tại sao cần kiểm định xe nâng?

  • Giúp phát hiện sớm các hư hỏng, ngăn ngừa tai nạn lao động khi sử dụng xe nâng làm việc.
  • Tuân thủ pháp luật bởi Nghị định 44/2016/NĐ-CP và các thông tư liên quan quy định rõ về việc kiểm định an toàn các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, trong đó có xe nâng.
  • Xe nâng không kiểm định nếu đưa vào sử dụng để làm việc sẽ bị phạt tiền, nặng hơn là bị định chỉ hoạt động.
  • Việc kiểm định xe nâng định kỳ kết hợp với bảo dưỡng xe đúng cách sẽ giúp xe hoạt động lâu dài và tăng tuổi thọ của xe.
  • Xe nâng có giấy và tem kiểm định sẽ nâng cao uy tín của doanh nghiệp cũng như là bằng chứng pháp lý khi làm việc với khách hàng và các công ty bảo hiểm.
tai sao can kiem dinh xe nang
Tại sao cần kiểm định xe nâng?

Tiêu chuẩn và quy chuẩn khi kiểm định xe nâng

  • TCVN 4755:1989: Yêu cầu an toàn đối với hệ thống thủy lực.
  • TCVN 5179:1990: Yêu cầu an toàn đối với xe nâng hàng dẫn động bằng động cơ.
  • TCVN 4244:2005: Thiết bị nâng – thiết kế, chế tạo và kiểm tra kỹ thuật
  • TCVN 7772:2007: Phân loại xe máy và thiết bị thi công di động.
  • QCVN 22:2010/BGTVT: Chế tạo, kiểm tra phương tiện, thiết bị xếp dỡ.
  • QCVN 13:2011/BGTVT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng.
  • QCVN 7:2012/BLĐTBXH: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thiết bị nâng.
  • QCVN 25:2015/BLĐTBXH: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với xe nâng hàng sử dụng động cơ, có tải trọng nâng từ 1.000 kg trở lên.
  • Thông tư 54/2016/TT-BLĐTBXH: Quy định về quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn các thiết bị nâng.
tieu chuan va quy chuan ve kiem dinh xe nang
Tiêu chuẩn và quy chuẩn khi kiểm định xe nâng

Quy trình kiểm định xe nâng hàng

Kiểm tra hồ sơ xe nâng

  • Lý lịch xe nâng: Ghi rõ thông số kỹ thuật, năm sản xuất, model, số khung, số máy…
  • Hồ sơ kiểm định lần trước (nếu có): Tem kiểm định, biên bản kiểm định.
  • Bản vẽ kỹ thuật (nếu có): Sơ đồ nguyên lý hoạt động, bản vẽ chi tiết các bộ phận quan trọng.
  • Giấy hướng dẫn vận hành và bảo dưỡng xe nâng hàng của nhà sản xuất.
  • Giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của xe nâng.

Kiểm tra bên ngoài

  • Kiểm tra cấu tạo xe nâng như khung xe, càng nâng, đối trọng, cabin (nếu có) xem có nứt, gãy, biến dạng, han gỉ không.
  • Kiểm tra cơ cấu nâng hạ: Độ cong vênh, mòn, nứt của càng nâng. Độ chùng, mòn, đứt mắt xích của xích nâng. Xi lanh thủy lực có bị rò rỉ dầu, cong vênh hay xước ty không.
  • Kiểm tra bơm, van, đường ống dẫn dầu xem có rò rỉ, hư hỏng không.
  • Kiểm tra má phanh, tang trống/đĩa phanh, dầu phanh, cơ cấu điều khiển phanh.
  • Kiểm tra vô lăng, trục lái, bánh lái, các khớp nối xem có rơ, lỏng, hư hỏng không.
  • Kiểm tra ắc quy, đèn chiếu sáng, còi, gương, các thiết bị cảnh báo.
  • Đánh giá độ mòn, áp suất, vết nứt, hư hỏng của lốp xe.
  • Đảm bảo ghế ngồi và dây an toàn chắc chắn, không hư hỏng.
kiem tra ben ngoai xe nang
Kiểm tra bên ngoài xe nâng hàng

Kiểm tra kỹ thuật và thử không tải

  • Khởi động xe nâng và kiểm tra củ đề xe nâng có hoạt động tốt không, tiếng động cơ bình thường không.
  • Vận hành thử tất cả các chức năng: nâng, hạ, di chuyển tiến/lùi, quay trái/phải, nghiêng càng.
  • Kiểm tra hoạt động của các cơ cấu an toàn: van an toàn, phanh, công tắc dừng khẩn cấp.

Kiểm tra kỹ thuật và thử tải

Thử tải tĩnh:

  • Nâng tải trọng lớn hơn tải trọng định mức của xe (thường là 125%).
  • Giữ tải trong một khoảng thời gian.
  • Kiểm tra độ ổn định của xe, độ võng của càng nâng và xem xét xe có bị rò rỉ dầu không.

Thử tải động:

  • Nâng tải trọng bằng tải trọng tối đa của xe.
  • Thực hiện các thao tác nâng, hạ, di chuyển, quay và nghiêng càng.
  • Kiểm tra phanh tay khi di chuyển trên đoạn đường có độ dốc nhỏ nhất là 20% trong khoảng 1 phút.
kiem tra ky thuat xe nang va thu tai
Kiểm tra kỹ thuật xe nâng và thử tải

Xử lý kết quả và cấp giấy chứng nhận

Nếu đạt yêu cầu:

  • Đơn vị kiểm định sẽ cấp chứng nhận kiểm định xe nâng gồm giấy kiểm định xe nâng và tem kiểm định xe nâng.
  • Tem kiểm định xe nâng sẽ được dán lên vị trí dễ quan sát trên xe.

Nếu không đạt yêu cầu:

  • Đơn vị kiểm định sẽ ghi rõ các hạng mục không đạt và yêu cầu khắc phục.
  • Sau khi khắc phục, xe nâng cần được đem đến trung tâm đăng kiểm để kiểm định lại.

Mẫu tem kiểm định xe nâng

Tem kiểm định xe nâng được cấp sau khi đã vượt qua quá trình kiểm định. Theo quy định, tem này bắt buộc phải dán dán ở vị trí dễ thấy trên xe để giúp người sử dụng hoặc khách hàng kiểm tra dễ dàng. 

Trên tem kiểm định xe nâng có các thông tin sau: Thông tin về đơn vị kiểm định, số seri, tên xe, mã hiệu xe, ngày kiểm định, ngày hết hạn kiểm định.

tem kiem dinh xe nang
Mẫu tem kiểm định xe nâng

Thời hạn kiểm định xe nâng

Thời hạn kiểm định xe nâng là 2 năm/lần đối với xe mới hoặc xe có trạng thái kỹ thuật tốt. Đối với xe nâng đã sử dụng trên 10 năm thì thời hạn kiểm định thường là 1 năm/lần. Tuy nhiên, thời gian kiểm định định kỳ có thể ngắn hơn nữa tùy thuộc vào tần suất sử dụng và tình trạng kỹ thuật của xe.

Chi phí kiểm định xe nâng hàng là bao nhiêu?

Dưới đây là biểu phí kiểm định xe nâng hàng theo tải trọng:

Phân loại xe nâng theo tải trọngMức giá kiểm định 
Xe nâng 1 – 3 tấn1.1 triệu
Xe nâng 3 – 7.5 tấn1.6 triệu
Xe nâng 7.5 – 15 tấn1.9 triệu
Xe nâng > 15 tấn2.5 triệu

Xe nâng hàng không kiểm định có bị phạt không?

Xe nâng hàng nếu không được kiểm định hoặc hết hạn kiểm định sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Mức phạt sẽ dao động từ 20.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng, thậm chí có thể đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nặng.

Do đó, để tránh tình trạng mất tiền, bạn nên kiểm định xe nâng của mình để tuân thủ pháp luật và đảm bảo an toàn lao động khi vận hành xe nâng. 

xe nang hang khong kiem dinh co bi phat khong
Xe nâng hàng không kiểm định có bị phạt không?

Tổng kết

Kiểm định xe nâng không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là biện pháp quan trọng để đảm bảo an toàn, hiệu quả và tuổi thọ của thiết bị. Hy vọng qua chia sẻ của Vận Tải Tiến Phát, bạn đã nắm vững kiến thức về kiểm định xe nâng để quản lý chất lượng kỹ thuật của xe tốt hơn và tránh mất tiền khi bị xử phạt hành chính.

5/5 | (1 Vote)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *